Thứ Tư, tháng 4 10, 2013

Giáo Dục và Phát Triển

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130410

"Định hướng xã hội chủ nghĩa" là một sự bất công - và nguy hiểm về giáo dục 


000_Hkg3118120-305.jpg
* Một người dân địa phương chở hai em bé trên xe đạp qua một poster của Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Hải Phòng, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam*


Trong cuộc thảo luận hiện nay ở Việt Nam về việc sửa đổi bản hiến pháp năm 1992, nhiều người nêu ý kiến về đường hướng kinh tế và cả việc tái cơ cấu nền kinh tế èo uột hiện tại. Nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa lại chú ý đến một khía cạnh khác mà ông gọi là cái gốc của kinh tế, là việc giáo dục, trước tiên là giáo dục cấp tiểu học. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này qua phần thực hiện sau đây của Vũ Hoàng.

Cần một Hiến pháp văn minh hơn

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ nhiều năm nay, Việt Nam nói đến yêu cầu gọi là tái cơ cấu nền kinh tế mà giới quan sát ở trong nước phê bình là chỉ thấy nói mà chưa thấy làm và cũng chẳng biết là ai làm, với kinh phí từ đâu ra. Thế rồi, từ đầu năm nay, Quốc hội của Việt Nam còn đưa ra dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992 để đề nghị mọi người góp ý mà lại giới hạn nội dung góp ý, thậm chí còn đả kích những ai muốn sửa đổi văn kiện cơ bản này theo chiều hướng thật sự dân chủ. Từ giác độ kinh tế, ông nghĩ sao về những ý kiến đã được nêu ra trong cuộc thảo luận này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là Việt Nam cần có một Hiến pháp có trình độ văn minh hơn, nhưng không đánh giá cao thiện chí sửa đổi của những người cầm quyền, trước nhất từ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ chế có quyền hạn thực tế còn cao hơn Hiến pháp.

- Chuyện thứ hai là vấn để cải tổ kinh tế hay tái cơ cấu theo lối nói ở trong nước. Nhu cầu cải tổ thì đã hiển nhiên và ngày càng cấp bách, mà việc cải cách vẫn bị trì hoãn, thậm chí cản trở vì cơ cấu lệch lạc hiện nay tạo ra đặc lợi cho nhiều thành phần. Các trung tâm quyền lợi hay là "lợi ích nhóm" đó chỉ muốn bảo vệ đặc quyền và đặc lợi của họ. Cũng vì vậy mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ chẳng đi đến đâu khi ta xét tới điều 55 liên hệ đến kinh tế đang được đề nghị.

Vũ Hoàng: Thưa ông, điều 55 đó có nội dung ra sao về kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nó duy trì lý luận căn bản đã gây ra các vấn đề nguy ngập của hiện tại và sẽ chẳng giúp gì cho phát triển kinh tế trong tương lai. Tôi xin trích dẫn điều 55 đó để người ta thấy ra mâu thuẫn cơ bản hàm chứa bên trong tư duy của lãnh đạo. Điều 55 có mục đích sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25 của Hiến pháp cũ và gồm hai khoản.

- Thứ nhất, "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối." Thứ hai, "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." Hết trích dẫn.

Việt Nam cần có một Hiến pháp có trình độ văn minh hơn, nhưng không đánh giá cao thiện chí sửa đổi của những người cầm quyền, trước nhất từ lãnh đạo đảng Cộng Sản.  Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Mâu thuẫn ở đây là khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà thế nào là "định hướng xã hội chủ nghĩa" lại không rõ, và chỉ có thể soi sáng với cái đuôi của khoản hai là "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Khi thành phần kinh tế nhà nước còn giữ vai trò chủ đạo thì làm gì có cạnh tranh? Và làm sao mà tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước và giải quyết tình trạng tham ô lãng phí trong các tập đoàn kinh tế nhà nước? Loại ung nhọt như Vinashin hay Vinalines mới chỉ là mặt nổi thôi.

- Khi ta xét đến điều 58, sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18 cũ thì mọi chuyện vẫn như xưa vì "Đất đai, nguồn nước, khoáng sản, vùng trời, vùng biển và tài nguyên thiên nhiên khác, các công trình và các tài sản Nhà nước đầu tư, quản lý đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật." Đấy là cơ sở của tệ nạn tay chân nhà nước cướp đất của dân đang thấy xảy ra. Vì thế, tôi hoài nghi ý chí cải cách kinh tế mà còn lo ngại cho tương lai khi nhìn vào cái gốc của kinh tế là giáo dục, trước tiên ở cấp tiểu học.

Vũ Hoàng: Nói cách khác, ông không đánh giá cao thiện chí hay khả năng cải cách về mặt kinh tế mà còn e ngại cho tương lai khi xét về lĩnh vực giáo dục? Điều gì khiến ông lo ngại?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong bản Hiến pháp năm 1992, vốn dĩ không là một mẫu mực, người ta có điều 59 quy định như sau: "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân." và "Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí." Trong bản dự thảo được đề nghị, Điều 42 sửa đổi, bổ sung Điều 59 chỉ còn gọn một khoản là "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập" chứ hết có khoản "giáo dục tiểu học là miễn phí". Tức là nghĩa vụ học tập bao gồm luôn nghĩa vụ học phí! Đây là một vấn đề nghiêm trọng cho kinh tế vì là cơ sở ban đầu của dân trí.

Vũ Hoàng: Ông thấy giáo dục cấp tiểu học liên hệ thế nào với phát triển kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy, mà ngoài khía cạnh kinh tế thì còn đạo đức xã hội.

Về kinh tế thì khi mà gần 23% dân số những người trên năm tuổi lại không thể hoàn tất bậc tiểu học thì làm sao lên tới cấp trung học và có tay nghề để thoát khỏi kiếp nghèo? Ở bên các nước Đông Á, nơi mà giáo dục miễn phí đến cấp trung học là quốc sách, Việt Nam không thể cạnh tranh được nếu nhà nước không đảm bảo nổi chín năm giáo dục cơ bản cho mọi người. Bây giờ lại còn mập mờ đòi người dân phải có nghĩa vụ học tập trong khi phe lờ nghĩa vụ của nhà nước! Bước đầu của việc nâng cao dân trí và cải tiến khả năng sản xuất là một sự tụt hậu.

 

Gánh nặng giáo dục


Vũ Hoàng: Đấy là về kinh tế, ông còn nói đến khía cạnh xã hội nữa. Thưa ông cái đó là gì?

Sự thật thì việc bảo đảm giáo dục cho con em vẫn là gánh nặng cho các hộ gia đình. Nhiều hộ phải mất phân nửa lợi tức cho việc học hành của con em. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng về xã hội, tại một xứ vẫn tự xưng là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa, thì một nội dung nên có của cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" là chính quyền phải ưu tiên chú trọng đến đại đa số và nhất là làm sao cho dân nghèo khỏi bị thiệt hại hoặc thua sút. Trong sự thăng tiến của con người, giáo dục là một điều kiện đầu tiên nên giáo dục tiểu học phải được cung cấp miễn phí cho mọi người để ai cũng có được kiến thức cơ bản. Mà không chỉ có học phí vì còn phải gồm cả trường ốc, sách vở và dụng cụ giáo khoa. Chế độ lại làm ngược, là tư nhân hóa giáo dục tiểu học theo cái hướng là học sinh phải trả học phí, cũng chẳng có tiền mua sách và không có trường ở gần nhà.

- Chúng ta đã thấy hình ảnh của em nhỏ ôm cầu khỉ leo qua sông để đi học trong khi các dự án của khu vực công bị rút ruột tan nát, gia đình đảng viên cán bộ cao cấp thì có dinh cơ nguy nga mà lương bổng không thể trang trải được nếu không tham nhũng.

- Về xã hội thì đấy là một sự bất công đáng tởm và cho thấy nội dung thật của "định hướng xã hội chủ nghĩa". Nó khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh tuần qua của một bà mẹ tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đèo con tới trường, sau lưng bé gái ngơ ngác là một cái bàn bằng gỗ tạp vì mẹ em phải mang bàn học đến trường!

Vũ Hoàng: Ông thấy hình ảnh này ở đâu, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một ngẫu nhiên là tuần báo BusinessWeek của hệ thống Bloomberg số mới nhất vào tuần qua đã có một bài về sự thật của nền giáo dục đằng sau những khoa trương của Trung Quốc. Tấm hình của một nhiếp ảnh gia của hãng AP đập vào mắt độc giả, nhưng nội dung bài phân tích của ông Dexter Roberts còn đáng chú ý hơn nhiều vì phơi bày mặt trái của thành tích biểu kiến.



cn-edu-bw-250.jpg
Bài báo về sự thật của nền giáo dục đằng sau những khoa trương của TQ trên tuần báo BusinessWeek của hệ thống Bloomberg số ngày 04-04-2013. Screen capture.


- Cũng như Việt Nam đã khoe ngân sách cho giáo dục chiếm đến 5% Tổng sản lượng GDP hoặc gần 20% của ngân sách quốc gia, Tháng Ba vừa rồi Trung Quốc cho biết vào rằng họ đạt chỉ tiêu là dành 4% của Tổng sản lượng cho giáo dục, sự thật thì việc bảo đảm giáo dục cho con em vẫn là gánh nặng cho các hộ gia đình. Nhiều hộ phải mất phân nửa lợi tức cho việc học hành, nhiều nơi không có trường ốc, phòng ốc có khi chật ních học trò, nhiều người phải hối lộ đút lót mới xin cho con vào trường tốt sau khi phải trả tiền học và đủ loại lệ phí, kể cả tiền thuê bàn ghế trong lớp. Vì thế, nhiều nơi cha mẹ phải khuân cả bàn ghế cho con vào trường. Chính sách cải tổ hệ thống ngân sách từ năm 1994 còn khiến các địa phương thiếu tiền giải quyết việc giáo dục.

- Mà hoàn cảnh của thành phần gọi là "dân công" lại còn bi đát hơn vậy. "Dân công" là những người phải tha phương cầu thực là kiếm việc làm ở địa phương khác mà chẳng có hộ khẩu. Tình trạng tạm bợ ấy kéo dài nhiều thập niên rồi mà chính sách hộ khẩu vẫn chưa thay đổi. Các gia đình dân công có con đi học thì kiếm không ra trường, hoặc phải cho con em trở về quê cũ nơi có hộ khẩu thì mới được đi học. Trung Quốc có 20 triệu em nhỏ là con cháu của dân công hiện đang có số phận rất bấp bênh.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, với những khó khăn về giáo dục như vậy, làm sao mà hai quốc gia này có thể cạnh tranh được với thiên hạ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng chưa nói đến việc cạnh tranh trong lâu dài, hệ thống giáo dục ấy đang là vấn đề xã hội với hậu quả nguy ngập về chính trị ở bên trong. Khi nhìn ra ngoài thì xứ nào cũng nên học hỏi kinh nghiệm của xứ khác và nhất là đừng phạm sai lầm như xứ khác.

- Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam nên tránh sai lầm của họ và phải cải cách sớm hơn, trước tiên là về giáo dục vì sẽ chỉ có kết quả lâu dài nên phải khởi sự sớm. Bước kế tiếp là phải tăng cường khả năng cung cấp giáo dục trung tiểu học cùng miễn phí để từ năm năm qua chín năm qua 12 năm, người nào cũng có được kiến thức cơ bản.

- Người ta cứ nói đến xã hội hóa hay tư nhân hóa giáo dục, Việt Nam chưa dám tư nhân hóa việc cung cấp kiến thức mà lại chỉ tư nhân hóa việc trả học phí là đi ngược quy trình của sự tiến hóa. Trong việc sửa đổi Hiến pháp, người ta nên trước tiên sửa cái đầu và cách nghĩ.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


18 nhận xét:

  1. Thưa bác
    Cháu nghĩ nên tư nhân hóa giáo dục, để dạy và học quan hệ nhau theo cơ chế thị trường. Nhà nước quản lý bằng luật như vậy sẽ năng động và không chứa đựng nguy cơ tham nhũng.
    Bất kỳ đồng tiền nào do nhà nước tiêu đều kéo theo lợi ích nhóm, tham nhũng và chạy chọt.
    Cháu biết hệ thống giáo dục công ở VN tham nhũng qua mua sắm, đầu tư cơ bản (% hoa hồng) rất lớn và điều này luôn được hợp lý trên sổ sách, không bao giờ thấy chứng cớ tham nhũng được.
    Vấn đề hỗ trợ người nghèo thì nhà nước có thể cấp Voucher cho một số đối tượng đủ chuẩn.
    Như vậy có tốt hơn không ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Hoàn toàn đúng, Thạnh ơi,

    Nhưng nên nghĩ đến hai hướng và theo hai bậc.

    Tư nhân hóa việc cung cấp giáo dục, tức là cho phép mở trường tư thục và soạn thảo giáo trình, có khác với tư nhân hóa việc tài trợ giáo dục là lấy học phí.

    Trong lịch sử và ở mọi quốc gia, không nhà nước nào có thể độc quyền tài trợ giáo dục và bắt buộc phải cho mở trường tư. Các thầy đồ trong làng xã của ta là trường tư cả, và Quốc tử giám là ngoại lệ và vì vậy phải có thi tuyển. Hệ thống thi tuyển ấy mới đáng trách vì nội dung giáo dục.

    Điều tai hại là sự hiều lầm hay nhập nhằng giữa hai chuyện đó: nhà nước, chế độ hay triều đình giữ độc quyền cung cấp giáo dục. Ngày xưa là hệ thống Khổng nho đã làm hẹp tầm nhìn của người dân. Sau này là hệ thống cộng sản với quyết định đóng cửa tất cả các trường tư và cải tạo thầy cô để giáo dục theo một hướng.

    Khi chế độ phá sản và không thể tài trợ giáo dục được nữa thì chỉ tư nhân hoá phần tài trợ mà vẫn kiểm soát phần cung cấp nội dung của giáo dục. Vì vậy, nội dung đó bị tụt hậu so với sự tiến hóa của thế giới. Lại còn kiêng kỵ chữ tư nhân hóa nên ngụy biện với chữ "xã hội hóa"!

    Chuyện thứ hai là tư nhân hóa theo cấp bậc, từ trên xuống.

    Phải tư nhân hoá việc giáo dục bậc chuyên nghiệp, đại học và hậu đại học vì hệ thống đó đào tạo nhân lực có khả năng sản xuất cao nhất và cần loại kiến thức thực tiễn và cập nhật nhất. Và phải tư nhân hóa theo cả hai hướng cung cấp và tài trợ như vừa nói ở trên. Thiểu số thanh thiếu niên lên tới cấp đó phải được học kiến thức thực dụng và tiên tiến, nhưng phải tài trợ lấy và có thể được vì sau hai đến bốn năm học là đã có thể sản xuất và có lợi tức. Nhà nước có thể đóng góp cho việc tài trợ qua học bổng và phiếu học phí tối thiểu, căn cứ trên khả năng của sinh viên và có chương trình tín dụng sinh viên để cho vay tiền đi học.

    Ngược lại, mọi thiếu nhi từ năm tuổi trở lên phải được đi học và nếu gia đình không có phương tiện thì hệ thống trường công vẫn còn đó: nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo giáo dục trung tiểu học cho MỌI người để ai ai cũng có được những kiến thức cơ bản. Điều ấy có nghĩa là nơi nào, dù hẻo lánh đến đâu, cũng phải có trường tiểu học công lập với trường ốc và giáo cụ tưo8m tất, và trong phạm vi năm bảy cây số phải có trường trung học công lập. Ai mở trường tư và thu học phí thì vẫn có quyền, nhưng đại đa số vẫn có nơi cung cấp giáo dục miễn phí.

    Việt Nam làm ngược, hoàn toàn ngược. Một thế hệ (25 nămn) đã qua rồi mà chưa thấy là sai.

    Chính quyền thả nổi giáo dục trung tiểu học mà vẫn hạn chế tư nhân hóa cấp đại học vì muốn kiểm soát sinh viên về tư tưởng, ý thức hệ!

    Hậu quả là ngân sách giáo dục quốc gia dành đa số kinh phí cho thiểu số đã vào đại học trong khi đại đa số ở dưới không có giáo dục miễn phí. Trẻ em phải lội bộ, đu cầu khỉ hay đi đò cả chục cây số mới đến trường. Nhiều em phải phá ngang.

    Đó là về lý luận, có thể kiểm chứng với các nước Đông Á tiên tiến khác và cũng là lý do phê phán hệ thống giáo dục tiểu học của Trung Quốc. Về thực tế thì ta còn có nền văn hóa và pháp chế tham nhũng nữa! Làm một triệu trường trung tiểu học ở khắp nơi thì ăn không nhiều không dễ và không nhanh bằng một dự án bạc triệu.... Mà bề nào thì con em lãnh đạo cũng đã có ngả du học rồi.

    Ái ngại!

    NXN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những tội ác của Nguyễn Xuân Nghĩa :
      Dưới vỏ bọc "hoạt động dân chủ", Nguyễn Xuân Nghĩa đã tham gia "Khối 8406" - một tổ chức chống phá cách mạng ở Việt Nam, y còn cùng một đồng bọn là Nguyễn Thanh Nghiên nhận tiền của nước ngoài rồi đưa 12,8 triệu đồng cho đồng bọn khác là Trần Đức Thạch về Thanh Hóa kích động dân khiếu kiện biểu tình.
      Từ năm 2007 đến cuối 2008, Nguyễn Xuân Nghĩa đã viết 57 bài có nội dung chống Nhà nước, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa sổ Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Nguyễn Mạnh Sơn từ năm 1995 đến 2008 cũng đã viết 2 bài có nội dung tương tự, in thành nhiều bản, phát tán và đăng tải trên các trang web phản động như: "Hưng Việt", "Đối thoại", "Thông luận".
      Vậy chúng ta có nên nghe những luận điệu xảo trá của một kẻ bất mãn với chế độ , do năng lực o có, tự nhận mình là tài hoa . Muốn theo bọn cướp nước để mong có một ngày đổi đời đây mà.

      Xóa
    2. Độc giả nào ký tên DiVa để viết lời bình trên đây không bị bệnh tâm thần thì cũng mắc chứng hàm hồ. Nhưng chi tiết nêu ra về NXN - "dưới vỏ bọc hoạt động dân chủ," "tham gia Khối 8406", "Nguyễn Thanh Nghiên nhận tiền", "57 bài có nội dung chống Nhà nước" v.v... là sai bét!

      Một cách trở thành người chưa văn minh thì cũng đàng hoàng là nêu ý kiến về những điều mình nghĩ là đúng hay sai khi thảo luận hay tranh luận với người khác. Nhờ đó mà góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

      Một cách chứng tỏ mình là kẻ thiếu hiểu biết mà thừa bất lương là không thảo luận về ý kiến mà mạt sát người khác, trên cơ sở của các dữ kiện không sai bét thì cũng là ngụy tạo.

      Daimamax Tribune chỉ đưa ý kiến của Diva lên một lần để cho thấy trình độ của những người muốn bênh đảng và nhà nước. Lần sau thì cho vào bồn cầu là nơi xứng đáng nhất cho cả tư tưởng lẫn thành phần này!

      NXN

      Xóa
    3. Loại chuột bọ Diva cút đi chỗ khác ngay!

      Xóa
    4. Tay Diva này nhầm lẫn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng.
      Lời lẽ không ra thể thống gì.

      Xóa
  3. Dạ,cháu cảm ơn bác hồi âm.
    Với tình trạng "đói khát" của giới cầm quyền, tốt nhất là tránh xa thùng mỡ khỏi miệng mèo.
    Cháu mong muốn tư nhân hóa hết tất cả: giáo dục, y tế, điện nước, và cả hệ thống Bank (giữ bank TW để phát hành tiền pháp định).
    Xác định % nhóm đói khổ cấp Voucher và lập danh sách hưởng này lên mạng để tránh chạy chọt. Chỗ nào có tiền, có khách hàng thì sẽ có dịch vụ.
    Nhà nước quản lý qua luật và thuế khóa là đủ.
    Thuế nhẹ đủ dùng cho an ninh và quân đội.
    Dòng tiền tư nhân được quay vòng và sinh lời nhanh nhất, còn mấy ông nhà nước dòng tiền từ thu thuế, nộp về, rồi quyết định chi, rồi kiểm tra,.....đầy nhiêu khê và rơi rớt.
    Vài dòng lan man vì mong qua blog bác tìm được tâm giao.
    Xin chúc bác sức khỏe.
    Nguyễn Văn Thạnh
    http://loihethong.blogspot.com

    Trả lờiXóa
  4. Mong muốn như vậy là hợp lý Thạnh ơi!

    Với chế độ quản lý nông cạn mà rộng rãi hiện nay của nhà nước - nông vì không cải tiến xã hội và chẳng tiếp cận với đời sống thật, mà lại rộng vì nơi nào cũng thọc tay vào để kiểm soát và trục lợi - thì một "nhà nước tối thiểu" là sự khát khao của nhiều người. Nhưng là nỗi lo sinh tử của nhà cầm quyền đang thủ vai nhà cầm đồ.

    Họ sẽ vét cho sạch và phá cho tan trước khi tháo chạy. Thế hệ sau này sẽ phải gánh vác chuyện sau này... Bi thảm.

    Các độc giả khác nghĩ sao?

    NXN

    Trả lờiXóa
  5. người dân thì họ lại nghĩ #, những năm học đầu tiên ở tiểu học, trung học là những bước đầu tiên trong cuộc đời nên ai cũng cố gắng dành nhiều nỗ lực cho việc học hành của con em với hy vọng giúp chúng đổi đời qua học hành. còn các cấp học cao hơn thì họ lại coi nhẹ, có lẽ vì kiến thức của họ khi đó không đủ để theo kèm dạy dỗ con cài từng ly,từng tý. khi nào chính trị còn kiểm soát giáo dục, như phát hành SGK, các lãnh đạo đến dự lễ khai giảng thì khi đó những sản phẩm của giáo dục sẽ vẫn k đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

    Trả lờiXóa
  6. Với chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng đòi thực thi thế gới đại đồng, không nhà nước, không luật pháp, không biên giới quốc gia... khác gì chế độ ăn cướp Hà Nội hiện tại lúc nào cũng lải nhải đầu môi chót lưỡi "mọi sở hữu thuộc về nhân dân" để rồi nhà nước cậy vào sức mạnh bạo lực, tự tiện trấn lột mọi tài sản của người dân hết sức ngang ngược! Thế giới bánh vẻ đại đồng hoang tưởng kiểu cộng sản lại càng bị cướp bóc thê thảm hơn nếu như loài người chẳng may bất hạnh bị các chế độ cộng sản cai trị, nhuộm đỏ cả toàn thế giới. Nhưng may thay cộng sản đã dần bị đào thải suốt từ 1990... cái nôi chủ nghĩa CS Liên Xô đã tan tành, thế giới không có lối ăn cướp theo kiểu "cộng sản đại đồng", hay "sở hữu toàn dân" mà chỉ có quyền "tư hữu" chính đáng với cả mọi quyền làm người bảo vệ cho sự tự do bình đẳng phát triển toàn vẹn nơi mỗi cá nhân con người.

    Trả lờiXóa
  7. Để Mèo kể chuyện thật việc thật về giáo dục tiểu học qua ví dụ nhà Mèo nhé.
    Mèo có một bé năm nay 6 tuổi, độ tuổi vào lớp 1 và đang rất đau đầu trong suy nghĩ học đâu. Có ba lựa chọn:
    1. Học trường công đúng tuyến: theo hộ khẩu, thì sẽ vào trường A.
    2. Học trường tư: B
    3. Học trường bán công: C.
    Theo 1, thì có ưu điểm: gần nhà, tiện cho bé đi học, học phí rẻ (VD: 600.000VND/tháng ~ 30 đô la Mỹ, cộng thêm ăn trưa tại trường và học thêm tại nhà cô nếu có, tất tật là 1.200.000 VND/tháng khoảng 60 đô la Mỹ).
    Nhược điểm: lớp đông 50-60 cháu, cơ sở vật chất nghèo nàn, phải đi học thêm tại nhà cô, một số tiêu cực của giáo dục trường công,rồi không phải cô giáo nào cũng dạy tốt, quan tâm đến trẻ, có cô giáo còn đánh, mắng, xỉ nhục học sinh mà bố mẹ không dám làm gì. Vì thế phải chạy vào lớp 'tốt'.
    Nếu chọn b, thì giá cả đắt quá 6.000.000 đồng/tháng tương đương 300 đô la Mỹ. Trong khi chi phí sinh hoạt càng ngày càng cao, rồi còn đầu tư cho bé thứ 2,..... Ưu điểm: cơ sở vật chất tạm được, lớp ít 30 cháu, cô giáo nhẹ nhàng, không phải học thêm, có nhiều hoạt động ngoại khóa.
    3. Chọn c? Cái này thì mình không được quyền chọn, vì phải đo nghiệm các cháu để chọn, giữa một rừng hồ sơ và lượng tuyển. Mà nghe nói 2/3 số lượng lấy đã có 'xuất'.
    Cái này là trung bình cộng của a và b: học phí hợp lý, lớp có số lượng vừa phải 40 cháu, cô giáo khuyến khích học sinh hơn là dùng hình phạt, dạy nhẹ nhàng.

    Trả lờiXóa
  8. (tiếp)
    Vậy Mèo mong muốn gì cho bé?
    Mèo chỉ mong có một trường học với lớp học thân thiện, cô giáo yêu thương, khuyến khích bé, chấp nhận những cá tính khác nhau của các bé. Một chương trình học nhẹ nhàng, giúp bé có những kỹ năng cơ bản đọc, viết, toán, nhận biết ban đầu về xã hội, về tự nhiên, về các quy tắc.
    Cái này là bình thường ở đâu đó, nhưng thật ra lại quá xa vời tại Việt Nam. Có thể nhiều người sẽ phản bác Mèo, nhưng theo Mèo đó là có thể thấy rõ qua các trang báo.

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn độc giả Mèo về thí dụ rất cụ thể này.

    Cô giáo trường A có thể là lương ít và hết thiết tha đến chức năng nhà giáo và vì quy luật cung cầu, phòng ốc nghèo nàn, sĩ cố quá đông, cô lo không xuể và trở thành bẳn gắt, khó chịu (thiếu động lực so với cô giáo trường B). Vì vậy, trường B khá hơn, nhưng vượt khả năng tài chính của đa số người dân nếu có thêm cháu thứ nhì, thứ ba....

    Làm tôi nhớ đến... Ngô Thì Nhậm.

    Trong bài tựa của cập "Cần Bộc Chi Ngôn" (những lời tầm thường chân thật) trình lên Chúa Trịnh Sâm (quãng 1775-1778) ông nói về ba vấn đề "giáo-pháp-chính" của thời đó (ở Bắc Hà) như sau:

    "Sở dĩ giáo không phổ cập được vì trò không được học, trò không được học vì thày giảng không tinh. Sở dĩ pháp không thành lập là do người giỏi không được dùng, mà người giỏi không được dùng là do thưởng phạt không công bằng. Sở dĩ chính không thi hành được là do kẻ lại không được liêm, mà kẻ lại không liêm là vì bổng lộc không đủ. Duyên cớ là đều do tình trạng thiếu thốn. Cho nên dù có cấp bách lo việc này nhưng nếu không nắm được mấu chốt của nó thì dù "trí" có thể biết được, "thế" vẫn không làm được."

    Hơn 200 năm trước đã có người nói đến tai họa về chính trị, phát luật và giáo dục rồi soi tới tình trạng thiếu thốn (ta suy là kinh tế!) và nỗi thảm là "trí" thì có biết (như nhiều người trong nước ngày nay đã thấy) mà "thế" vẫn không làm được. Vì sao nên nỗi thì ai mà chẳng biết?

    NXN

    Trả lờiXóa
  10. Thưa bác
    Cháu nhận thấy mấu chốt vấn đề ở VN là tinh thần, sự hiểu biết về tự do kinh tế chưa có nên nó loanh quanh quay lại công ty nhà nước, rồi lại xử lý hậu quả. Từ thời bao cấp đến giờ liên tục như vậy.
    Cháu muốn truyền bá lý luận tự do kinh tế ra xã hội càng nhiều càng tốt
    Cháu mong được kết nối với bác qua email để có thể tham vấn một số vấn đề nếu có khi viết bài
    Mong bác giúp đỡ
    Cháu: Thạnh
    email: thanhipi@gmail.com

    Trả lờiXóa
  11. nhân đọc bài của lưới mèo về giáo dục, tôi xin đính chính ngay rẳng ở vn hiện nay không có trường bán công nữa; chỉ có trường công , tư thục hay dân lập mà thôi- tôi đang nói GD từ lóp mẫu giáo cho đến lớp 12.
    Đại đa số các thầy cô ở trường đều thân thiện, quý mến học trò- các trường ngày nay hầu hết đều có cơ sở vật chất KHÁ- theo tiêu chuẩn của GD nhà nước VN hiện nay. còn bền vững sử dụng được dài lâu hay không là do tâm địa của nhà thầu và các quan chức chính quyền sở tại cùng với quan chức giáo dục địa phương khi lập, thi công và nghiệm thu các công trình để đưa vào sử dụng.
    Có một điều nhức đầu không giải quyết được là bệnh thành tích đã ăn sâu vào máu thịt của người dân VN và các quan chức GD- có thể dám quả quyết cho đám quan chức của các ngành khác cũng như vậy
    Do căn bệnh quái đản này mà phụ huynh thì đua nhau chọn trường , chạy trường cho con em mình; thầy cô thì đua nhau có thành tích để về được trừờng điểm, - là trường có tiếng trong tỉnh, huyện . quận...; hoặc chung chi để được về; rồi sau đó ra sức dạy thêm- để lấy vốn lại- mà hầu hết là gỡ được vốn và có lời nhiều nữa. bệnh thành tích đã làm cho nền GD tạo ra nhưng cô cậu học sinh có kiến thức chẳng ra gì- lớp 12 mà cứ lưng tưng nhận thức về xã hội và con người .Cũng bệnh thành tích mà đứa bé mới vào lớp một thì còn hăng hái, đến lớp năm rôi thì không cố gắng nhiều để mở mang thêm kiến thức- vì nó lẫn cha mẹ nó đều biết trứơc sau gì thì con mình cũng phải ra trường và lên lớp sáu- và câu chuyện này cứ tái diễn mãi cho đến khi tốt nghiệp lớp 12 rồi vào Đại học cũng vậy

    Trả lờiXóa
  12. Xin kính chào bác Nghĩa,

    Tình hình giáo dục hiện nay của nước nhà phải nỏi là cực kỳ thê thảm và ngày càng tệ hại.

    Học sinh, sinh viên ra trường yếu kém về mọi mặt về khả năng tư duy độc lập, logic, khả năng giải quyết vấn đề, thành thạo ngoại ngữ,...
    Từ kinh nghiệm của bản thân (sự yếu kém), cháu đang có suy nghĩ về hướng sau này sẽ cho con cái đi tị nạn giáo dục để tránh bị huỷ hoại nhân cách và bị lưu manh hoá với các phương án như sau:

    1. Học các trườmg ngoại quốc đâu tư tại Việt Nam

    2. Cho qua các quốc gia có nền dân chủ có nền giáo dục tự do
    --------------------------------------------
    Với phương án đầu tiên, theo tìm hiểu của cháu thì chi phí rất cao nên không thể kham nổi.

    Phương án thứ hai, với khả năng tài chánh eo hẹp cháu cũng chỉ dám nghĩ đến những nơi như Thái Lan hay Myanmar. Vì cháu có vài người bạn là người Myanmar, họ rất tử tế và đặc biệt là sử dụng Anh ngữ rất thành thạo, đây là điều không thể có với nền giáo dục trong nước hiện nay.

    Do cháu chưa từng ra ngoại quốc và cũng không hiểu rõ lắm về môi trường giáo dục cũng như các thủ tục cần thiết để xin nhập học tại những quốc gia trên. Mong bác tư vấn giúp.

    Cám ơn bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là một góp ý bi quan và thê thàm nhất tôi đã nhận được, trực tiếp hay gián tiếp. Xin được liên lạp trực tiếp với độc giả Pham Phong Van qua email và xin các độc giả khác góp ý. Con ông chàu cha của chế độ tồi tệ này (chữ chó đẻ là xúc phạm loài chó) không gặp vấn nạn này, vì đều đã có bãi đáp bên Mỹ.

      Tội cho dân ta.

      NXN

      Xóa
  13. Xin cám ơn bác Nghĩa đã quan tâm,

    Đúng như bác nói về COCC. Tụi này du học tự túc về học phí và chi phí, không cần kiếm học bổng. Do vài năm trước khi học Anh ngữ được xếp vào học chung lớp với đám con nít, phân nửa trong đó đang học High school, số còn lại đang học Secondary school, tất cả đang hoàn tất chương trình Anh ngữ để đi du học.

    Khi nói chuyện với chúng thì mới biết toàn bộ trong đó là gia đình có gốc gác, qua đó cũng biết được họ đang tính đường hậu và đang tìm bãi đáp.

    Rất mong bác và các độc giả khác góp ý cho cháu qua email tonypvan@gmail.com

    Chân Thành cám ơn

    Trả lờiXóa